Trong giai đoạn I (thực hiện điều tra các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội – tiến hành điều tra từ ngày 01/3/2021), tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành công tác thu thập thông tin khối doanh nghiệp trước ngày 30/7/2021 với 9.255 doanh nghiệp (theo Phương án đối với các tỉnh có trên 8.000 doanh nghiệp hoàn thành thu thập thông tin trước ngày 30/8/2021); khối sự nghiệp, hiệp hội hoàn thành kê khai phiếu trước ngày 30/4/2021 là 1.128 đơn vị (tỷ lệ đơn vị hoàn thành kê khai đạt 100%); trong đó, đơn vị sự nghiệp 981 phiếu, tổ chức hiệp hội là 147 phiếu.
Giai đoạn II (thực hiện điều tra cơ sở sản xuất kinh danh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng) toàn tỉnh đã hoàn thành công tác thu thập thông tin 100% phiếu cá thể, tôn giáo vào ngày 26/7/2021 trước thời gian quy định của Trung ương 4 ngày, với 92.172 phiếu cá thể và 436 phiếu tôn giáo, tín ngưỡng.
Đánh giá sơ bộ cuộc TĐT lần này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tiến hành theo đúng kế hoạch, phương án điều tra, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tính đến ngày 30/7/2021, Quảng Nam cơ bản hoàn tất công tác điều tra, trong đó đã tiến hành điều tra 99,74% doanh nghiệp; 100% cơ sở kinh doanh cá thể, các tổ chức tôn giáo; 100% đơn vị sự nghiệp và hiệp hội trên địa bàn tỉnh.
Chủ động trong công tác chuẩn bị và thu thập thông tin TĐT
Thành lập Ban chỉ đạo TĐT các cấp
Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), tổ thường trực BCĐ TĐT theo Quyết định số2505/QĐ-UBND ngày 11/9/2020; Ban hành công văn hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thành lập BCĐ đúng theo hướng dẫn của BCĐ Trung ương. Toàn tỉnh Quảng Nam đã thành lập 240 BCĐ các cấp để triển khai công tác Tổng điều tra, bao gồm 01 BCĐ cấp tỉnh với 34 thành viên; 18 BCĐ cấp huyện với 413 thành viên; 221 BCĐ cấp xã với 1.011 thành viên (có 20 xã không đủ điều kiện thành lập BCĐ).
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tại Quảng Nam – Một số kết quả bước đầu
Trong quá trình tổ chức triển khai TĐT, Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai công tác TĐT để chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ cho BCĐ cấp huyện đúng theo hướng dẫn của Trung ương; UBND tỉnh đã ban hành 01 Quyết định; 03 công văn và 03 thông báo; BCĐ TĐT tỉnh ban hành 08 kế hoạch 10 công văn và các thông báo về nghiệp vụ chuyên môn để hướng dẫn BCĐ các cấp thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện TĐT theo hướng chuyên môn hóa, Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-CTK ngày 23/02/2021 về việc thành lập Tổ chuyên môn và công nghệ thông tin, Tổ hậu cần vàTổ tuyên truyền phục vụ TĐT kinh tế năm 2021 với 19 thành viên, nòng cốt là chuyên viên ngành Thống kê có kinh nghiệm trong triển khai các cuộc TĐT các năm trước.
Bên cạnh việc thành lập, củng cố BCĐ và bộ máy giúp việc, công tác lập, rà soát danh sách đơn vị điều tra cũng được chú trọng bảo đảm tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng điều tra. Đối với đơn vị điều tra là doanh nghiệp và chi nhánh BCĐ TĐT tỉnh đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh rà soát cập nhật, bổ sung thông tin cho hơn 9.800 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp; đối với danh sách đơn vị sự nghiệp và hiệp hội, Tổ thường trực tỉnh và Sở Nội vụ đã tiến hành rà soát hơn 1.290 đơn vị (trong đó: 1.034 đơn vị sự nghiệp); số cơ sở SXKD cá thể trên địa bàn sau rà soát gần 94,7 nghìn cơ sở và 436 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ, huy động lực lượng tham gia TĐT
Công tác tổ chức tập huấn được BCĐ TĐT tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Phương án TĐT, các giảng viên được phân công hướng dẫn đã chuẩn bị bài giảng chu đáo, công tác hậu cần phục vụ hội nghị được đảm bảo, trong quá trình tổ chức tập huấn có thảo luận đưa ra nhiều tình huống sát với tình hình thực tế của địa phương. Toàn tỉnh đã tổ chức 25 lớp tập huấn nghiệp vụ TĐT, trong đó cấp tỉnh tổ chức 01 lớp với 105 người tham dự, cấp huyện tổ chức 24 lớp. Giai đoạn I tổ chức 04 lớp; giai đoạn II tổ chức 20 lớp,19 lớp tổ chức tập huấn trực tiếp, 01 lớp tập huấn trực tuyến; toàn tỉnh đã huy động 839 điều tra viên tham gia công tác TĐT trong đó trưng tập thêm 266 điều tra viên ngoài quy định của Trung ương, số lượng điều tra viên tham gia TĐT lần này đều đã thực hiện các cuộc Tổng điều dân số và nhà ở năm 2019, điều tra Nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020 và các cuộc điều tra thường xuyên khác, do đó hầu hết các điều tra viên am hiểu và sử dụng tốt phần mền trên máy tính, trên điện thoại và các hoạt động kinh tế phát sinh trên địa bàn
Công tác tuyên truyền
Để tiến hành công tác tuyên truyền cho TĐT, BCĐ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền để đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền TĐT.
Theo đó, BCĐ tỉnh đã chủ trì và phối hợp với Báo Quảng Nam; Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh; Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê, Cục Thuế và các đơn vị liên quan để thực hiện công tác truyên truyền qua nhiều hình thức như dựng Pano (loại lớn), logo, băng rôn, khẩu hiệu, thực hiện các phóng sự phỏng vấn và phát file MP3 hỏi đáp về Tổng điều tra trên hệ thống loa truyền thanh của xã, tổ dân phố, thôn, bản.
Ngoài ra, BCĐ TĐT tỉnh còn phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông thành phố Tam Kỳ thực hiện tuyên truyền công tác TĐT bằng xe lưu động gắn các câu khẩu hiệu và loa phát câu hỏi - đáp, trailer tuyên truyền về TĐT. Tổ chức Lễ ra quân tại phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ.
BCĐ TĐT cấp xã lồng ghép tuyên truyền công tác TĐT tại các buổi họp thôn, ấp, bản, tổ, khối phố, tuyên truyền bằng loa di động để thông báo mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc TĐT để các đối tượng điều tra biết và phối hợp.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa, của cuộc TĐT đến tận từng người dân, làm cho người dân hiểu được lợi ích của TĐT, nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với TĐT và sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cơ quan thống kê nhà nước, tạo điều kiện để lực lượng tham gia TĐT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác kiểm tra giám sát
BCĐ TĐT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-BCĐ ngày 25/02/2021 về việc kiểm tra, giám sát TĐT năm 2021; Kế hoạch số 114/KH-BCĐ ngày 04/3/2021 về việc thực hiện kiểm tra, giám sát TĐT (giai đoạn I); Kế hoạch số 402/KH-BCĐ ngày 21/6/2021 về việc thực hiện kiểm tra, giám sát TĐT (giai đoạn II) và thành lập 02 đoàn kiểm tra, giám sát. Qua công tác kiểm tra giám sát nhìn chung BCĐ TĐT các huyện thị xã, thành phố đã bám sát Kế hoạch TĐT của tỉnh, tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành các văn bản, kế hoạch liên quan đến công tác TĐT đúng theo quy định. BCĐ TĐT cấp huyện đã ban hành văn bản phối hợp với Chi cục thuế để triển khai đến doanh nghiệp, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện... để triển khai các đơn vị trường học. Phân công điều tra viên liên hệ và cung cấp tài khoản cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội để thu thập thông tin qua webform đảm bảo đúng theo tiến độ,các thông báo nghiệp vụ của BCĐ TĐT Trung ương; công văn, kế hoạch, văn bản BCĐ TĐT tỉnh đã được BCĐ TĐT các huyện triển khai đến tất cả BCĐ các xã, phường, thị trấn và điều tra viên để thực hiện.
Một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai TĐT
Tính đến thời điểm 01/7/2021 trên địa bàn tỉnh có gần 102,5 nghìn đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tôn giáo, tăng 5% so năm 2017, trong đó có 9.255 doanh nghiệp, 92.172 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thuỷ sản,1.128 đơn vị sự nghiệp hiệp hội và 436 cơ sở tôn giáo tín ngưỡng.
Có thể thấy, để hoàn thành tốt cuộc TĐT, Quảng Nam đã có được những thuận lợi nhất định như:
Công tác tuyên truyền về cuộc TĐT được tăng cường, triền khai đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương tới địa phương.
Theo đó, BCĐ TĐT Trung ương đã tuyên truyền mục đích, yêu cầu cuộc TĐT trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để mọi đối tượng điều tra biết và phối hợp. BCĐ TĐT tỉnh tăng cường tuyên truyền về TĐT bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên Đài phát thanh-Truyền hình tỉnh, trả lời phỏng vấn về nội dung TĐT, treo băng rôn, Pano tại các trục đường chính, tổ chức Lễ ra quân,in tờ rơi, logo gửi đến đối tượng điều tra. BCĐ TĐT các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuyên truyền công tác TĐT trên Đài phát thanh truyền hình huyện, loa phát thanh về mục đích, yêu cầu của cuộc TĐT để mọi đối tượng điều tra biết và hợp tác, tuyên truyền bằng các hình thức như treo băng rôn tại các Chợ, Siêu thị, trung tâm thương mại nơi có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tuyên truyền xe lưu động, họp thôn, tổ, khối phố.
Công tác tham mưu, chỉ đạo được triển khai kịp thời, quyết liệt
Tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt đến các Sở ngành, BCĐ cấp huyện; Cục Thống kê chủ động xây dựng các văn bản, tranh thủ sự ủng hộ của các Sở ban ngành, tổ chức phối hợp để triển khai TĐT được xuyên suốt, thuận lợi.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả TĐT, Cục Thống kê tỉnh Quang Nam đã tham mưu kịp thời Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng BCĐ) tăng cường thêm số lượng điều tra viên ngoài định mức của Trung ương (gấp 1,5 lần), tổ chức thêm các lớp tập huấn nghiệp vụ... Trên cơ sở đó giao tiến độ cho các BCĐ cấp huyện nỗ lực hoàn thành giai đoạn 1 trước cả nước 1 tháng, giai đoạn 2 trước từ 5-10 ngày (tùy quy mô cấp huyện).
Đối với các địa bàn có dịch Covid-19 phải tạm thời cách ly theo quy định, Cục Thống kê đã xây dựng trước các kịch bản dự phòng và chủ động nhanh chóng xử lý khi có tình huống phát sinh. Quyết liệt triển khai đối với những đơn vị gặp khó khăn, trực tiếp BCĐ tỉnh tháo gỡ đến cấp huyện, thậm chí đến địa bàn điều tra (nếu cấp thiết), tăng cường lực lượng nhất là trong thời gian về cuối của từng giai đoạn TĐT.
BCĐ tỉnh đã chủ động xây dựng các bước kiểm tra nghiệp vụ, nhất là kiểm tra dữ liệu lớn, đối chiếu với các cuộc điều tra, TĐT trước và nhận định tình hình kinh tế, xã hội phát sinh thực tế để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường đến từng địa bàn như: tăng giảm đột biến về số lượng, cơ cấu ngành nghề, doanh thu, tài sản… qua đó tổ chức giám sát chuyên đề để khắc phục nhanh chóng sai sót hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng của dữ liệu.
Tuy vậy, cuộc TĐT tại Quảng Nam cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có thể thấy, TĐT lần này có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra, công tác TĐT thực hiện trong giai đoạn toàn ngành sắp xếp lại mô hình mới có sự biến động nhiều về tổ chức, con người, các quy chế phối hợp giữa các cấp còn trong giai đoạn dự thảo, công tác phối hợp giữa các phòng thuộc Cục Thống kê chưa đi vào ổn định đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác triển khai.
Đặc biệt, TĐT thực hiện trong giai đoạn cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19, ngân sách Trung ương cắt giảm rất nhiều ở các bước triển khai TĐT nhất là công tác tuyên truyền, bên cạnh đó kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, do vậy ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị và triển khai TĐT.
Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng đã ảnh hưởng trên diện rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống và tâm lý của nhân dân, doanh nghiệp, dẫn đến việc phối hợp cung cấp thông tin có lúc có nơi còn chưa thuận lợi./.